Xuất bản thông tin

null Đẩy mạnh phát triển kinh tế số trong bối cảnh mới

Trang chủ Báo chí với Đồng Tháp

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số trong bối cảnh mới

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự ra đời, phát triển của công nghệ số, kỹ thuật số tạo ra những thay đổi to lớn về phương thức hoạt động, phương thức sản xuất, kinh doanh của tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Theo đó, chuyển tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế này lên một trình độ phát triển mới trên nền tảng công nghệ mới, hình thành và phát triển nền kinh tế số.

 

Theo nghĩa hẹp, kinh tế số được hiểu là những ngành dựa trên công nghệ số, trong đó bao gồm các công nghệ trụ cột như công nghệ thông tin, công nghệ Internet vạn vật, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây... Theo nghĩa rộng, kinh tế số là nền kinh tế trong đó những hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu dùng... của tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều dựa trên nền tảng công nghệ số.

Từ các quan niệm trên có thể hiểu, kinh tế số là môi trường tổng thể về kinh tế, văn hóa, xã hội, thể chế, công nghệ có những đặc tính phù hợp và tạo thuận lợi nhất cho việc phổ biến, ứng dụng, phát triển công nghệ số. Trong môi trường đó, tri thức, thông tin, dữ liệu, không gian số trở thành những nhân tố sản xuất quan trọng nhất, trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế; hàm lượng tri thức công nghệ số được nâng cao trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Nói cách khác, kinh tế số là một môi trường tổng thể mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, thể chế, công nghệ... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự sản sinh, phổ biến, sử dụng các tri thức số, thông tin số, công nghệ số; trong đó diễn ra quá trình chuyển biến tri thức số, thông tin số, công nghệ số trở thành yếu tố sản xuất chủ yếu của nền kinh tế.

Nền kinh tế số được cấu thành bởi các yếu tố sau: thị trường số, tài nguyên thông tin số, dịch vụ số, thị trường tiêu dùng số. Theo đó, thị trường số là mạng lưới internet kết nối đến đâu đồng nghĩa với việc thị trường được mở rộng tới đó; các giao dịch trên thị trường được số hóa.

Tài nguyên thông tin số là thông tin, tri thức được số hóa rồi thương phẩm hóa qua kết nối trên không gian mạng Internet. Dịch vụ số là nền kinh tế số được hình thành nhờ việc ứng dụng rộng rãi Internet và kỹ thuật số, bắt đầu từ lĩnh vực thông tin, giải trí rồi lan sang các lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác, từ đó tạo ra những mô hình mới như thương mại số, ngân hàng số, logistics số, giáo dục số... Đối với thị trường tiêu dùng số mang tính toàn cầu, xuyên quốc gia. Việc mở rộng mạng Internet và dịch vụ số gắn với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, kích thích xu hướng tiêu dùng dịch vụ số đến mọi thành phần dân cư.

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Định hướng này cũng thể hiện nhất quán với quyết tâm lớn của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết xác định: “Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt và quản lý quá trình chuyển đổi số, tạo nền tảng cơ bản, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số là mũi nhọn, xã hội số là trọng tâm trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh”.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Đồng Tháp có nhiều cơ chế, chính sách và các hoạt động cụ thể thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Đáng chú ý là Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 5/5/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp về “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025”. Cùng với đó, quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, tỉnh cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để tạo lập hành lang pháp lý phát triển kinh tế số; xác lập, từng bước hoàn thiện khung cơ chế, chính sách đối với từng ngành, lĩnh vực về phát triển kinh tế số. Đồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình phát triển kinh tế số; có chiến lược đào tạo về kiến thức, kỹ năng số để phát triển nguồn nhân lực số phổ thông của tỉnh; cần có chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển hệ sinh thái số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng công nghệ số phục vụ tiến trình quản lý và phát triển kinh tế số.

Mặt khác, cần quản lý khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ và triển khai đồng bộ giải pháp trong quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh; phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp; người dân; các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng... trong phát triển kinh tế số. Hoạch định và thực thi các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế số trên cơ sở đồng thuận giữa chính quyền với các bên liên quan.

Trước những thời cơ, thuận lợi, thách thức trong tiến trình phát triển kinh tế số, đòi hỏi chính quyền tỉnh Đồng Tháp phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động cùng với việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều nhóm giải pháp để quản lý hiệu quả.

PHẠM HÒA