Xuất bản thông tin

null Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng, phát triển đất nước

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng, phát triển đất nước

Xây dựng và phát triển thị trường lao động Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững với nguồn nhân lực có năng suất lao động, tính cạnh tranh luôn là một trong những mục tiêu được nước ta ưu tiên thực hiện. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) được xem là mục tiêu hàng đầu, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vinh danh các tân Tiến sĩ. Ảnh: Phạm Hòa

NNLCLC là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của Quốc gia, nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển NNLCLC. Đại hội X của Đảng xem NNLCLC là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức ở Việt Nam. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, vấn đề phát triển NNLCLC được Đảng ta xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là NNLCLC, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo, gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài...”.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nguồn nhân lực như: Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức... Chính phủ còn ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực như Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025... Cùng với đó, các Bộ, ngành và địa phương còn xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực; thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển NNLCLC...

Nhờ đó, nguồn nhân lực của nước ta không ngừng gia tăng cả về quy mô và chất lượng. Quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, khoảng 64,5% năm 2020, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 24,5% (tăng 19,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao. Công tác đào tạo nhân lực có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng; đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; bước đầu áp dụng các phương pháp đào tạo của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế, công nghiệp xây dựng, cơ khí...

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo... Một số nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo triển khai còn chậm, lúng túng, hiệu quả thấp; hệ thống trường lớp phân bổ chưa hợp lý, một số nơi còn thiếu, xuống cấp. Cơ sở hạ tầng đại học ít được đầu tư, nhất là các phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành... Việc đào tạo một số ngành nghề đặc thù còn khó khăn; chưa có cơ chế đặt hàng đào tạo đối với một số ngành, lĩnh vực, đối tượng.

Để phát huy nguồn lực con người, nhất là NNLCLC đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân mới theo các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và gắn với quy hoạch nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội; tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo; thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân.

https://www.baodongthap.vn/database/image/2022/03/29/dt2-7b.jpg
Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ học Tiếng Anh với giảng viên nước ngoài

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; tăng cường công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục; xếp hạng các trường đại học. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, chú trọng các trường sư phạm; phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới, ưu tiên nguồn lực phát triển các trường công nghệ.

Trên tinh thần phát triển NNLCLC góp phần xây dựng, phát triển đất nước cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động và chất lượng dịch vụ việc làm. Xây dựng cơ chế, chính sách để định hướng dịch chuyển lao động thông thoáng, phân bố hợp lý lao động theo vùng. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực một cách tổng thể, mang tính chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng NNLCLC có cơ cấu, chất lượng hợp lý, đủ năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức.

PHẠM HÒA - THÚY AN