Xuất bản thông tin

null Giáo dục trực tuyến - Tiền đề cho nền tảng tri thức

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Giáo dục trực tuyến - Tiền đề cho nền tảng tri thức

Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ làm thay đổi mọi khía cạnh trong đời sống con người. Sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing) sẽ tạo nên cuộc cách mạng hóa đối với giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng phát của đại dịch Covid-19, giáo dục trực tuyến (GDTT) được xem là một giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng điện thoại hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường THCS Tân Thành

GDTT là phương thức hiện đại, quan trọng, đem lại nhiều giá trị. Trong bối cảnh số hóa hiện nay, cùng với phương pháp đào tạo truyền thống, đào tạo trực tuyến cần thiết được áp dụng phổ biến trong nhà trường. Bởi vì, GDTT không chỉ thay đổi phương pháp truyền đạt của người dạy mà còn giúp người học có thể tiếp nhận nhiều kiến thức, mọi lúc, mọi nơi để sẵn sàng bước vào tương lai. Điều này góp phần xây dựng một thế giới tiến bộ, phát triển trên nền tảng tri thức.

Theo Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), GDTT bao gồm tất cả các hình thức giảng dạy và học tập được hỗ trợ bằng điện tử, đặc biệt là việc tiếp thu dựa trên website, máy tính và gắn kết với kiến thức và kỹ năng. GDTT có thể diễn ra trong hoặc ngoài lớp học. Đây là một thành phần thiết yếu của giáo dục từ xa và có thể liên quan đến môi trường học tập ảo. Hay nói cách khác, GDTT là giáo dục đào tạo từ xa, bằng cách sử dụng những ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện trên nền tảng internet. Các cấu phần của hệ thống GDTT bao gồm hệ thống quản lý học tập giúp xây dựng các lớp học trực tuyến hiệu quả; hệ thống quản lý nội dung học tập cho phép tạo và quản lý nội dung học tập; hệ thống các công cụ làm bài giảng có khả năng xây dựng nội dung học tập một cách sinh động, dễ sử dụng và đầy đủ đa phương tiện.

Hiện nay, GDTT trở nên phổ biến và được xem là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả. Một trong những khía cạnh quan trọng của GDTT là sự linh hoạt mà nó cung cấp cho người học so với các phương pháp học truyền thống. Người học có thể lựa chọn một hay nhiều chương trình phù hợp với quỹ thời gian học tập, có thể học theo khả năng của mình, dễ dàng tham gia các cuộc thảo luận ảo, có thể truy cập vào các tài nguyên thông tin từ các chuyên gia cũng như hệ thống dữ liệu có liên quan. Mặt khác, GDTT còn có khả năng làm thay đổi cách học cũng như vai trò của người học, trong đó người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo.

Tại Việt Nam, GDTT luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp Nhân dân. Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” với chủ trương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra phương hướng: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình...”. Cùng với đó, Chính phủ cũng Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011 - 2020” với việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập cho mọi người.


Học sinh học tập trên thiết bị di động

Thực hiện chủ trương trên, trong những năm qua, ngành giáo dục triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học, trong đó đã phối hợp tổ chức hình thức học tập trực tuyến và thi trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều khóa học quản trị kinh doanh qua mạng cũng được nhiều cơ sở đào tạo triển khai thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo từ đại học, cao đẳng đến THPT, THCS, Tiểu học đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, điều này không chỉ giúp cho hoạt động dạy học trở nên sinh động, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và người học mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Tuy nhiên, cho đến nay, GDTT ở Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, do nhiều cơ sở giáo dục chưa nhận thức được tầm quan trọng của GDTT, chậm số hóa quản trị hệ thống giáo dục cũng như đổi mới phương thức đào tạo. Mặt khác, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo trực tuyến ở một số nơi còn thiếu, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số giáo viên còn thiếu các kỹ năng, phương pháp đào tạo mới, hiện đại, nhất là phương pháp đào tạo trực tuyến.

Trong thời gian tới, để tận dụng các cơ hội, tiềm năng sẵn có nhằm tiếp tục thúc đẩy GDTT tại Việt Nam, cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về học tập suốt đời và phát triển phương thức GDTT đến mọi tầng lớp Nhân dân, từ đó khuyến khích tinh thần học tập của người dân. Thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ Quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời có cơ chế, chính sách, quy chuẩn đối với việc dạy học trực tuyến cũng như phương thức, cách thức tổ chức dạy học trực tuyến.

Song song đó, tăng cường các hoạt động tập huấn, chuyển giao kiến thức về phương pháp, kỹ năng trong việc xây dựng và vận hành các hệ thống thành phần cũng như toàn bộ hệ thống GDTT. Chú trọng nâng cấp hạ tầng thông tin phục vụ GDTT để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và học tập trực tuyến... Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, năng lực tự học, tự nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục và đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

PHẠM NGỌC HÒA