Xuất bản thông tin

null Sáng tạo khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Sáng tạo khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

      Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực và chìa khóa để tiến vào thời kỳ mới. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ chủ trương: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, trong đó, đội ngũ trí thức nước nhà có vai trò hết sức quan trọng”.


Các đại biểu tham dự Hội thảo Sáng tạo Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển - xã hội Việt Nam, tại tỉnh Hà Giang

       Nhằm thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN) đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, vừa qua, tại TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo “Sáng tạo KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Hội thảo nhằm mục đích thảo luận, trao đổi các thông tin bổ ích, các kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng các công trình, giải pháp tham gia Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; trao đổi kinh nghiệm và biện pháp thúc đẩy việc ứng dụng nhanh các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống. Đồng thời đề xuất với Nhà nước về các cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN.

       Hội thảo là sự kiện thường niên, luân phiên tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Hà Giang phối hợp tổ chức. Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 1995 nhằm bình chọn những công trình khoa học và công nghệ tiêu biểu và vinh danh các tác giả có những công trình KHCN có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn, đang được thực hiện tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

       Các công trình khoa học tham dự giải thưởng là những kết quả đều được đánh giá nghiệm thu của các đề tài, dự án thuộc các chương trình KHCN cấp nhà nước và cấp bộ, ngành, địa phương, các đề tài, dự án giải quyết các vấn đề KHCN trong sản xuất của các doanh nghiệp. Qua đó, tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, tăng tỷ lệ xuất khẩu và giảm chi phí nhập khẩu...

Qua 27 năm đã có 3.025 công trình tham gia và có 1.028 công trình đoạt giải thưởng, đem lại hiệu quả rất to lớn trên nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Các công trình đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu cấp bách của thực tiễn.


Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo Sáng tạo Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển – xã hội Việt Nam

         Theo Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam đang cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước từng bước khẳng định được vị thế và thương hiệu, góp phần tạo nên phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức và Nhân dân lao động trong cả nước, có những đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

         Đóng góp vào hành trình đó, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (Hội thi) trải qua 33 năm (1998 - 2022) với 17 lần tổ chức (2 năm 1 lần). Mục đích của Hội thi là nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về KHCN, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua 33 năm, đã có 6.819 giải pháp dự thi và 988 giải pháp được trao giải. Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

       Quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về phát triển khoa học và công nghệ, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ tỉnh nhà. Trong đó, có công tác tổ chức Hội thi.

       Thời gian qua, Đồng Tháp đã tổ chức 17 lần Hội thi cấp tỉnh với 865 giải pháp tham gia, 374 giải pháp đoạt giải; 66 giải pháp tham gia toàn quốc, 13 giải pháp đạt giải. Hội thi tạo sân chơi thiết thực, thu hút nhiều người tham gia, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Trong số những tác giả tham gia Hội thi có sự tham gia đáng kể của các lực lượng là cán bộ khoa học kỹ thuật trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, nông dân. Sự góp mặt của các đối tượng này đã phản ánh được sức lao động sáng tạo của người dân Đồng Tháp. Tiêu biểu là một số giải pháp như: “Máy cuộn rơm” của tác giả Phan Tấn Bện, “Máy sấy muối ớt” của tác giả Huỳnh Văn Bé đều đạt giải cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc...


Họp Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 17

        Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng rất cần các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu để tạo ra các công nghệ mới về năng lượng, vật liệu, sinh học, môi trường, y tế..., gắn nghiên cứu với ứng dụng vào thực tiễn. Đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đưa KHCN về phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân có thể áp dụng vào đời sống, nâng cao chất lượng sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm và của cải cho gia đình và xã hội.

          Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước với giá thành rẻ hơn, thời gian nhanh hơn, trong khi chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Đồng thời cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải. Nhà nước cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng dành cho các tác giả tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm KHCN...

                                                                                                    LÊ MINH HÙNG