Xuất bản thông tin

null Thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật

Trang chủ CHUYÊN TRANG TRÍ THỨC KH&CN

Thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật

ĐTO - Có thể thấy, sáng tạo khoa học kỹ thuật là hoạt động nhằm khơi dậy và đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát hiện và hỗ trợ các tài năng sáng tạo trong lao động, đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp hữu ích, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống. Vì vậy, qua hơn 20 năm tổ chức hoạt động sáng tạo kỹ thuật, tỉnh Đồng Tháp đã gặt hái được nhiều thành công, những giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống góp phần giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.


TS. Lê Uyển Thanh luôn trau dồi kiến thức và không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu nhằm góp phần ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quản lý mầm bệnh do vi khuẩn gây ra trên cây trồng, đặc biệt là trên cây hoa hồng

Nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (gọi tắt là Liên hiệp Hội) đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh (2 năm/lần), Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh (hằng năm các hội thi, cuộc thi, giải thưởng được tổ chức ngày càng chất lượng, bài bản, đã thu hút, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong Nhân dân). Công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức mới, qua nền tảng mạng xã hội đã tiếp cận đa dạng các lứa tuổi, nhất là giới trẻ, học sinh (HS), sinh viên, ươm mầm và nuôi dưỡng ước mơ trở thành các nhà khoa học, nhà sáng chế trong tương lai.

Từ các hoạt động trong suốt quá trình tổ chức các hội thi, cuộc thi đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học; phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, cán bộ, công chức, người lao động, HS, thanh thiếu nhi trong tỉnh; đưa những sáng tạo có giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh...

Đơn cử như nhóm tác giả: TS. Lê Uyển Thanh, TS. Huỳnh Ngọc Tâm, TS. Trần Đức Tường (Trường Đại học Đồng Tháp) say mê lao động sáng tạo, với giải pháp “Kiểm soát bệnh đốm lá do Xanthomonas spp gây ra trên cây hoa hồng bằng vi khuẩn đối kháng tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 17, năm 2022 - 2023. Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng với niềm đam mê, khả năng tư duy sáng tạo và từ nhu cầu thực tiễn sản xuất của người dân, nhóm tác giả đã nghiên cứu mang lại “làn gió mới” cho việc kiểm soát bệnh trên cây hoa hồng.


Trao giải cho các thí sinh tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17, năm 2022 - 2023

TS. Lê Uyển Thanh - đại diện nhóm tác giả, cho biết: “Giải pháp này làm nền tảng cho việc ứng dụng biện pháp sinh học hiệu quả nhờ sử dụng vi khuẩn đối kháng trong việc quản lý mầm bệnh do vi khuẩn gây ra trên cây trồng, đặc biệt là trên cây hoa hồng, giúp phát triển nền sản xuất hoa kiểng theo hướng thân thiện với môi trường, giảm chi phí sản xuất do giảm sự lạm dụng thuốc trừ bệnh hóa học, giúp hạn chế sự kháng thuốc của mầm bệnh, giảm sự ngộ độc kháng sinh cho cây, giúp bảo vệ thiên địch và các vi sinh vật có lợi, đảm bảo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, góp phần mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời góp phần cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học cho các nghiên cứu sâu hơn về xây dựng biện pháp sinh học hiệu quả trong việc quản lý mầm bệnh do vi khuẩn gây ra trên cây trồng, đặc biệt là trên cây có thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp...”.

Thời gian qua, Liên hiệp Hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Tháp. Qua các cuộc thi, từng bước khẳng định là sân chơi bổ ích và hấp dẫn đối với HS, thu hút sự tham gia của đông đảo các em HS. Các sản phẩm dự thi cho thấy, nguồn lực sáng tạo vô cùng phong phú ở mọi lứa tuổi HS. Các mô hình, sản phẩm tham gia khá đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao; nhiều sản phẩm có ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các bộ cảm ứng để điều khiển, vận hành một cách chính xác, bớt tính thủ công so với những năm trước; hầu hết ý tưởng sáng tạo đều xuất phát từ thực tiễn học tập của các em và từ cuộc sống ở địa phương, có ý nghĩa đối với việc dạy và học...


Quy trình sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ ếch của nhóm tác giả: Nguyễn Tố Mai, Sỹ Thị Thế, Phạm Thị Quỳnh Trâm, Trần Hồng Tâm đến từ Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp mang lại hiệu quả thiết thực

Nhóm tác giả Hồ Huỳnh Trọng Nhân và Dương Quang Minh (HS Trường THCS Tràm Chim, huyện Tam Nông) xuất sắc đạt giải Nhì tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 16 với sản phẩm “Robot hỗ trợ học tập và phân loại rác”. Theo đó, sản phẩm giúp nhận diện, phân loại rác nhằm góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Đồng thời hỗ trợ học tập về lịch sử, địa lý địa phương. Robot cũng nhắc người học ngồi đúng tư thế và cảnh báo nếu thiếu ánh sáng...

Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp Hội, cho biết: “Trong thời gian tới, Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Hội thi và Cuộc thi với các hình thức phong phú, đa dạng như: qua kênh Zalo, Youtube và Infographic. Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xã hội để thu hút mọi tầng lớp trong xã hội tham gia Hội thi. Mặt khác, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân có ý tưởng giải pháp kỹ thuật, công nghệ tham gia Hội thi. Về Cuộc thi, Liên hiệp Hội vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích tinh thần không ngừng học tập, sáng tạo, đam mê khoa học đối với các em HS để các mô hình, sản phẩm do các em tạo ra ngày càng hoàn thiện hơn, hướng đến tham gia khởi nghiệp thành công”.

NHẬT NAM